Lãi suất ngân hàng giữa cuộc giằng co tiền dồn vào chứng khoán và bất động sản

Lãi suất ngân hàng giữa cuộc giằng co tiền dồn vào chứng khoán và bất động sản

Năm 2020, sau khi lãi suất giảm sâu, “thời tiền rẻ” thể hiện, dòng tiền có xu hướng dồn mạnh vào thị trường chứng khoán , và gần đây thể hiện rõ hơn ở thị trường bất động sản với những cơn sốt đất trải từ Bắc tới Nam…

Trước những dòng chảy này, nguồn vốn vào hệ thống ngân hàng có thể bị giằng co và chia sẻ. Theo đó, có ý kiến cho rằng nên tăng lãi suất trở lại để ngân hàng hút vốn, tạo nguồn lực thúc đẩy tín dụng phát triển kinh tế… (?).

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, Chính phủ phải cố gắng không đảo chiều chính sách tiền tệ, không tăng lãi suất.

LÃI SUẤT CỦA VIỆT NAM Ở TẦM NÀO VÀ NGÂN HÀNG THU CHÊNH LỆCH BAO NHIÊU?

Trong sự giằng co trên, tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn – Cơ hội trong kỷ nguyên mới” diễn ra ngày 30/3, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Kinh tế cho rằng, cần phát triển thị trường vốn trong đó tập trung vào chứng khoán, trái phiếu và các quỹ đầu tư để cân đối, chia sẻ với thị trường tín dụng, bởi quy mô dư nợ tín dụng của Việt Nam đã ở mức rất cao.

“Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất ngân hàng ở Việt Nam tương đối cao nhưng theo tôi nếu so sánh thì phải so sánh lãi suất cho vay thực, sau khi đã cấn trừ đi lạm phát”, ông Lực đặt vấn đề.

Những nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất ở Việt Nam cao, bao gồm: Lạm phát của Việt Nam cao hơn so với khu vực, Trung Quốc lạm phát 2%, Phillipines và Indonesia lạm phát 2,5%, thế giới lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2% còn Việt Nam năm vừa qua là 3 -3,5% và mục tiêu cũng là phấn đấu dưới 4%. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, rủi ro nền kinh tế và rủi ro của doanh nghiệp ở mức cao nên lãi suất cao.

Về lãi suất đầu vào, người dân vẫn mong lãi suất tiền gửi vẫn ở mức dương, cao hơn lạm phát, khi lãi suất hạ lập tức dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác.

Còn với mặt bằng lãi suất hiện nay, ngân hàng thu chênh lệch bao nhiêu cũng là một điểm được chú ý. Và theo TS. Lực, hiện chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở mức 2,6%, Trung Quốc 2,9%, Indonesia 3,3%, Philippines 3%, Myanmar 8%. “Công bằng mà nói, chênh lệch đầu vào – đầu ra lãi suất của ngân hàng Việt Nam chỉ mức trung bình, không phải là cao”.

Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực trên nêu quan điểm: Cần hết sức cân nhắc việc giảm lãi suất bởi hiện đây không phải là điểm nghẽn, tín dụng vẫn tăng trưởng 13-14%, lãi suất hiện nay đã tương đối thấp. Nếu hạ tiếp đồng tiền sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, lạm phát có thể bùng phát trở lại.

Lãi suất ngân hàng giữa cuộc giằng co tiền dồn vào chứng khoán và bất động sản - Ảnh 1.